Bạn lo con mình sẽ thuộc vào nhóm mà người ta vẫn gọi là "Thế hệ chỉ biết hưởng thụ?" Vậy sao không nhân dịp lễ này - lúc tưởng chừng con sẽ được hưởng thụ nhiều hơn nữa với rất nhiều quà tặng - để giúp con "cho đi", giúp con học tính rộng lượng, biết nghĩ đến người khác thay vì xem mình là nhất.
Nhiều bậc phụ huynh nếu ngẫm nghĩ lại có lẽ sẽ giật mình và lo lắng vì cái tính hưởng thụ của con mình. Con lúc nào cũng đòi cái nọ cái kia, và nhiều khi mua về rồi lại chán ngay lập tức. Với một đứa trẻ lên hai, đó có thể vì bé chưa hiểu được giá trị đồng tiền, nhưng nếu là một đứa trẻ 10 tuổi thì có thể đó là vì bé chẳng quan tâm.
Vì sao con chúng ta lại thành ra thế này? Có phải vì chúng ta đã lơ là, quên khen ngợi khi con quan tâm đến người khác, và quên tạo điều kiện cho những đức tính của con được phát huy?
Một phụ huynh chia sẻ rằng chị đã thật sự lo lắng khi nhận ra thái độ thờ ơ của con khi nhận được quà. Chị cũng nhận ra rằng các bậc phụ huynh có thể dẫn dắt thái độ của con khi "nhận" bằng cách dạy chúng "cho". Nếu con được dạy cách tặng quà với tình cảm chân thành thì bé sẽ biết trân trọng hơn khi được nhận quà từ người khác.
Nuôi dạy một người biết nghĩ
Trong cái khoảng thời gian "bận bù đầu bù cổ" này, có lẽ điều cuối cùng bạn muốn làm là cùng con bày bừa đồ đạc để làm những món quà "cây nhà lá vườn" tràn đầy tình thương hay đưa con đi mua sắm - ôi chao là đông đúc, mệt mỏi! Nhưng hãy cố lên nhé, vì đưa con đi chọn quà cho người thân, bạn bè cũng là một cách giúp con học tính rộng lượng, hào phóng và biết nghĩ tới người khác mà. Đây cũng là dịp cho con cảm thấy trưởng thành hơn vì đã làm được những điều có ích, cảm nhận được niềm vui khi làm cho người khác hạnh phúc.
Trước khi đi, hãy trao đổi với con về việc nên tặng món quà như thế nào. Bạn đừng ngăn tính sáng tạo của con, đừng lo lắng rằng một món quà phải thế nào mới đúng - nếu bé muốn tặng cho ông của mình một chiếc cà vạt in hình hơi ngốc nghếch thì cũng đừng nhất quyết ngăn cản. Ông sẽ biết ngay đó là món quà mà cháu bé bỏng của ông chính tay lựa chọn - như thế còn giá trị gấp nhiều lần. Nhưng cùng với đó, bố mẹ cần cùng con thảo luận xem người khác mong muốn nhận được món quà như thế nào bằng những câu hỏi như:
- Con có biết màu sắc yêu thích của ông/ bà... là màu gì không?
- Con nghĩ ông/ bà... cần thứ gì? Mẹ thấy những đôi tất ấm của ông/ bà... đã cũ hết rồi.
- Con có biết ông/ bà... thích làm gì không?
- Con nghĩ mình có thể tặng cho ông/ bà... một điều thật dễ thương như một phiếu "Trợ giúp/ Đấm lưng/ Nhổ tóc bạc..." được không?
- Con có biết nhân vật hoạt hình yêu thích nhất của bạn thân là gì không?
Khi đi mua quà, bạn cũng có thể tiếp tục lôi kéo con vào cuộc bằng những câu hỏi cụ thể hơn như "Con nghĩ cái khăn kẻ này có hợp với cô A. không?" hay "Chú B. có thích cái áo màu xanh này không con nhỉ?"
Tiếp theo là lúc bàn bạc về ngân sách. Đừng đưa ra một giới hạn cho con, hãy chỉ hướng con theo đúng hướng. Chẳng hạn như con bạn biết anh trai bé thích chơi piano, bé sẽ có thể đề nghị mua tặng anh một cây đàn mới toanh; khi ấy bạn hãy bảo con rằng: "Món quà đó vượt quá ví tiền của chúng ta rồi, nhưng con có nghĩ anh sẽ thích vài quyển nhạc mới không?" chẳng hạn.
Món quà hoàn hảo
Với những món quà từ con trẻ, đắt hơn không đồng nghĩa với tuyệt vời hơn. Món quà tuyệt vời nhất là món quà có thể cho người nhận cảm nhận được rằng bé hiểu họ và yêu quý họ. Và ơn Trời, có rất nhiều món quà như vậy mà không đắt chút nào:
Tặng ông bà, cô chú:
- Lựa chọn một bức ảnh đặc biệt và trang trí khung ảnh. Cũng có thể đóng khung trang trí một tấm vé của sự kiện đặc biệt nào đó mà mọi người đã cùng tham dự rất vui.
- Làm một món ăn đơn giản (với sự giúp sức của bố mẹ) để biếu ông/ bà...
- Viết một lá thư/ bài thơ giải thích vì sao người được nhận lại quan trọng với bé. Nếu bé có hoa tay, có thể thay bằng một bức tranh hay một món đồ thủ công xinh xắn.
Tặng anh chị, bạn bè:
- Cùng ăn với nhau một món thật ngon ở một nhà hàng vừa túi tiền, hoặc mỗi bé có thể cùng mẹ chuẩn bị một món ngon ngon và góp lại với nhau tại một buổi tiệc nhỏ. Cách này vừa không quá tốn kém mà lại rất tình cảm.
- Cùng chuẩn bị những món quà nho nhỏ và những thẻ tên và... bốc thăm. Cách này bất ngờ mà cũng rất vui nữa.
Chia sẻ tình yêu thương
Dịp lễ này, ngoài gia đình, bạn bè thân thiết, bạn hãy dạy con quan tâm đến những người khác nữa: đó có thể là những hoàn cảnh khó khăn hay những người bạn cô độc trong lớp của con. Bố mẹ có thể cho phép con dùng tiền để dành mua quà của mình để quyên góp cho các bạn nhỏ khó khăn. Hoặc nếu không có nhiều tiền, các con có thể sắp xếp quần áo cũ, dụng cụ học tập không dùng nữa để quyên góp.
Hãy nhớ:
- Đừng nóng vội. Bạn đừng mong con phải ngay lập tức thế này hay thế kia; hãy cho con bắt đầu bằng những hành động nho nhỏ, đơn giản để bé cảm thấy hứng thú.
- Hãy làm gương, nhưng đừng bắt con phải làm theo y như mình. Bạn hãy cho con có ý kiến riêng và tự chọn những hoạt động phù hợp với bé.
- Nhớ khen con, và nếu có thể, cho con được chứng kiến thành quả của bé. Điều đó có tác dụng khích lệ tinh thần rất lớn đấy.
Món quà tuyệt nhất mà bé được nhận sẽ là học được thế nào là cho và nhận, bài học này sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến tính cách của con trong tương lai. Và bố mẹ, trải qua những điều như vậy thì dù có mệt nhọc hơn một chút cũng sẽ cảm thấy dịp lễ năm nay hạnh phúc hơn mọi năm cho mà xem.
Tác giả bài viết: Ban biên tập website
Nguồn tin: mn liên minh
Các tin khác