Hiểu rõ khẩu vị của trẻ
Khoa học cho rằng mọi giải pháp liên quan đến việc ăn uống mà các bậc cha mẹ đặt ra cho trẻ cần phải dựa trên cơ sở của sự thấu hiểu. Khi được thấu hiểu, trẻ sẽ hợp tác và tự giác tuân theo các nguyên tắc mà không cần cha mẹ phải can thiệp quá nhiều. Khi hiểu rõ được khẩu vị của trẻ, cha mẹ sẽ có cách chế biến và điều chỉnh phù hợp với khẩu vị của bé. Điều này, không chỉ giúp trẻ ăn ngon hơn, hào hứng với bữa ăn hơn mà còn có thể chuyển từ trạng thái không thích sang thích một loại thực phẩm nào đó.
Chẳng hạn, có rất nhiều trẻ không thích ăn rau nhưng nếu cha mẹ biết cách làm cho món rau trở nên hấp dẫn hơn thì có thể trẻ sẽ rất thích thú được thử một hương vị mới.
Một thử nghiệm nhỏ đã được thực hiện ở những đứa trẻ ghét ăn món rau luộc hoặc xào. Nhưng, ngay khi chuyển sang làm sinh tố rau, salat rau trộn, nấu rau với các loại thịt, cá mà trẻ thích ăn, phần lớn các trẻ này đều tỏ ra rất háo hức muốn thử và đã món ăn mới.
Rõ ràng, việc thường xuyên thay đổi thực đơn và làm phong phú bữa ăn của trẻ bằng nhiều món khác nhau chính là giải pháp hữu hiệu nhất giúp trẻ có thể "cởi mở" với nhiều món ăn cung cấp đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ.
Trẻ cần tự do trong khuôn khổ
Theo các chuyên gia y tế, khi cha mẹ có các hành động ép buộc, trẻ sẽ ăn vì sợ và ăn vì muốn đạt một mục đích nào đó (được quà, đồ chơi...) chứ không phải ăn vì nhu cầu và vì sức khỏe của bản thân trẻ. Dần dần, trẻ sẽ hiểu sai về ý nghĩa của các bữa ăn và chỉ ăn khi bị ép hoặc bị dụ dỗ. Tính chủ động trong bữa ăn của trẻ sẽ dần dần bị thiêu rụi khiến cho trẻ ngày càng biếng ăn hơn.
Đa dạng trong cách chế biến sẽ giúp trẻ hào hứng với những thực phẩm quen thuộc
Nguy hiểm hơn, các hành động ép trẻ ăn còn có thể gây ra những tổn thương về tinh thần và tâm lý, ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của trẻ.
Vì vậy, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo: Cha mẹ hãy cho trẻ ăn đúng giờ, ăn các loại thức ăn phù hợp với lứa tuổi, không cho trẻ ăn vặt trước bữa ăn, cho trẻ ngồi ăn với gia đình, khi trẻ đủ lớn hãy để trẻ tự xúc ăn...nhưng cần phải cho trẻ tự quyết định việc mình ăn bao nhiêu là đủ. Được chủ động đáp ứng theo nhu cầu của cơ thể, trẻ sẽ được trải qua cảm giác đói - no, từ đó, sẽ tự điều chỉnh lại việc ăn uống của mình cho phù hợp.
Trẻ cần bổ sung thêm vi chất
Theo PGS. TS. Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng - Viện dinh dưỡng Quốc Gia, Kẽm và Selen là hai vi chất quan trọng giúp trẻ ăn ngon miệng, tăng trưởng tốt và nâng cao khả năng miễn dịch.
Kẽm giúp duy trì, bảo vệ các tế bào vị giác, khứu giác và có vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng. Còn Selen rất cần cho việc chuyển hóa i-ốt, sự tăng trưởng và hệ miễn dịch của cơ thể. Nếu thiếu Kẽm và Selen, trẻ sẽ bị biếng ăn do rối loạn vị giác, làm suy thoái quá trình phát triển và tăng trưởng bình thường của cơ thể.
Do đó, khi trẻ biếng ăn, cha mẹ có thể cho trẻ ăn nhiều các loại thực phẩm giàu Kẽm và Selen như cá, hải sản, tôm đồng, lươn, thịt bò trứng, rau, hoa quả... Ngoài ra, có thể bổ sung từ các chế phẩm dạng siro có chứa Kẽm và Selen nguồn gốc thực vật... để trẻ khỏe mạnh và thông minh.
Tác giả bài viết: Ban biên tập website
Nguồn tin: vietnamnet.vn
Các tin khác