Ngắt lời khi người lớn nói chuyện
Lý do bạn không nên phớt lờ: Có thể bé quá nóng lòng muốn nói với bạn chuyện gì hoặc hỏi bạn điều gì đó. Nhưng cho phép con ngắt quãng cuộc trò chuyện của người lớn thì không dạy cho bé biết cách làm thế nào để nhận được sự quan tâm của người khác hoặc tự chơi khi bố mẹ bận rộn. "Kết quả là bé sẽ nghĩ rằng bé đang được sự chú ý của người khác và sẽ không thể chịu được sự thất vọng" - chuyên gia tâm lý cho biết.
Cách ngăn chặn: Lần sau, khi bạn cần gọi điện thoại hay nói chuyện với một người bạn, hãy bảo bé giữ yên lặng và đừng ngắt lời mẹ. Sau đó hãy để con tham gia một hoạt động nào đó hay cho bé chơi với một đồ chơi bé thích. Nếu con kéo tay bạn khi bạn đang nói chuyện, hãy chỉ cho con một chiếc ghế và bảo bé yên lặng ngồi vào đó cho tới khi mẹ xong việc. Sau đó, hãy cho con hiểu rằng, bé sẽ không nhận được điều bé muốn nếu ngắt lời mẹ.
Chơi quá thô bạo
Lý do bạn không nên phớt lờ: Cần nghiêm khắc khi con đấm bạn cùng chơi và cũng đừng bỏ qua với các hành vi ít hung hăng hơn như xô đẩy anh trai hay véo một người bạn. Nếu bạn không can thiệp, những hành vi thô bạo có hể trở thành thói quen cố hữu khi bé 8 tuổi. Hơn nữa, con bạn còn có thể nghĩ rằng việc làm đau người khác là chấp nhận được.
Cách ngăn chặn: Cần xử lý hành vi hung hăng ngay lần đầu xuất hiện. Kéo con bạn ra ngoài "cuộc chiến" và nói với con "Làm vậy bạn đau đấy. Con sẽ thấy thế nào nếu bạn làm vậy với con". Hãy để bé biết rằng bất cứ hành động nào làm đau người khác đều không được phép. Lần sau, trước khi bé chơi với bạn, nhắc nhở con rằng bé không nên chơi thô bạo và giúp bé có thể giải quyết bằng lời nếu tức giận điều gì đó, thay vì dùng chân tay. Nếu bé đánh bạn lần nữa, hãy kết thúc giờ chơi ngay.
Giả vờ không nghe thấy lời mẹ nói
Tại sao bạn không nên phớt lờ: Bạn nhắc 2-3, thậm chí 4 lần con làm việc gì đó bé không thích như cất ôtô vào hay xếp dọn đồ chơi, và bé tiếp tục chơi mà tảng lờ như không nghe thấy gì. "Cứ nhắc đi nhắc lại chỉ khiến bé đợi để được nhắc tiếp hơn là chú ý đến lời mẹ nói ngay từ đầu. Nếu bạn cứ để việc này tiếp diễn bé sẽ ngày càng trở nên thách thức và chống đối" - chuyên gia cảnh báo.
Cách ngăn chặn: Thay vì đứng ở bếp và nói vọng vào chỗ con trong phòng khách, hãy đến gần bé và nói với con việc bé cần làm. Hãy để bé nhìn bạn khi bạn nói và phải đáp lại ngay lập tức. Có thể chạm vào vai bé, gọi tên con và tắt tivi khi muốn lôi kéo hoàn toàn sự chú ý của trẻ. Nếu bé vẫn ương bướng và không nhúc nhích, hãy đưa ra một hậu quả con sẽ phải chịu.
"Khi đứa con 6 tuổi bắt đầu chơi trò 'nghe có chọn lọc' khi bố mẹ nhắc làm điều gì đó như đi tắm ăn cơm, tôi bảo nếu con để cho mẹ nhắc việc gì đó hơn một lần, con sẽ chỉ được xem một băng đĩa (thường ngày là 2) hay không được đi chơi vào cuối tuần. Nếu như con để nhắc nhở hai lần, con sẽ không được xem băng đĩa nào và hai tuần tới sẽ không đi đâu. Và mọi việc đã được cải thiện" - một người mẹ chia sẻ.
Muốn gì làm nấy không hỏi ý kiến người lớn
Lý do không nên phớt lờ: Để con được ăn vặt hay xem chương trình mình thích không có vấn đề gì nhưng nếu cho bé muốn gì làm nấy thì sẽ không dạy cho bé biết cần phải tuân theo nguyên tắc. Nếu lúc 2 tuổi bạn để cho con tự lấy kẹo, ăn bánh khi muốn thì rất có thể khi con 8 tuổi, nó sẽ qua đêm ở nhà bạn mà không xin phép bố mẹ.
Cách ngăn chặn: Cần thiết lập một số nguyên tắc trong gia đình và nói về điều đó với con, chẳng hạn như con phải hỏi ý kiến bố mẹ nếu muốn ăn kẹo, xem tivi... Nếu con bạn mở tivi mà không được sự cho phép, hãy bảo bé tắt đi và nói: "Con cần hỏi mẹ trước khi con mở tivi". Nêu rõ các quy tắc thành tiếng to sẽ giúp bé nhận thức và tuân theo dễ hơn.
Tỏ thái độ vô lễ
Lý do bạn không nên phớt lờ: Bạn không thể nghĩ bé sẽ trợn mắt hay nói giọng mỉa mai cho tới khi con sắp bước vào tuổi teen, nhưng hành vi hỗn xược này lại thường bắt đầu từ các bé tuổi mầm non bắt chước anh chị lớn hơn để thử phản ứng của bố mẹ. Một số phụ huynh phớt lờ điều này vì họ nghĩ nó sẽ tự qua, nhưng nếu bạn không điều chỉnh bạn có thể sẽ thấy ngày nào đó thấy mình không được tôn trọng khi con học lớp 3. Không những thế, khi có tính này, bé sẽ khó kết bạn, đồng thời khó hòa thuận được với giáo viên hay những người lớn khác.
Cách ngăn chặn: Hãy làm cho bé nhận thức được hành vi của mình. Nói với con, chẳng hạn như "Khi con trợn mắt như vậy có phải con muốn thể hiện rằng con không thích những gì mẹ đang nói? Mẹ không muốn thấy thái độ đó của con một lần nữa". Điều này không có mục đích làm bé xấu hổ mà là để con ý thức được về cách sử dụng từ ngữ, giọng điệu, ánh mắt của mình khi nói. Nếu hành vi này tiếp diễn, bạn có thể từ chối đáp lại và bỏ đi chỗ khác. Hãy nói "Tai của mẹ không nghe khi con nói với mẹ bằng cách đó. Khi nào con nói tử tế hơn, mẹ sẽ nghe".
Phóng đại sự thật
Tại sao không nên phớt lờ: Có vẻ như chẳng có vấn đề gì lớn khi con kể với bạn bè rằng bé đã được đến thế giới Walt Disney trong khi thực tế con còn chưa đi máy bay lần nào, hoặc bé nói đã tự làm chiếc giường của mình dù thậm chí con còn chưa thể lôi được vật này. Sẽ là vấn đề không thể bỏ qua khi bé thường xuyên nói không đúng sự thật. Nói dối có thể trở thành thói quen nếu con nghĩ rằng đó là cách đơn giản để giúp bé cảm thấy tự tin hơn, để tránh làm một việc gì đó bé không thích hay để tránh rắc rối khi đã làm sai việc gì.
Cách ngăn chặn: Khi con "cuội", hãy cùng bé ngồi xuống và trò chuyện với con về sự ngay thẳng. Nói với con rằng: "Đến công viên Disney World hẳn là rất thích và có thể chúng ta sẽ đến đó sau này, nhưng con không nên kể với bạn rằng con đã ở đó nếu sự thật không phải. Con không nên kể với bạn về điều con chưa trải qua". Hãy để bé biết rằng nếu bé không luôn nói thật, mọi người sẽ không tin những điều bé nói. Hãy để ý tới động cơ nói dối của con và đảm bảo là bé không đạt được mục đích.
Tác giả bài viết: Ban biên tập website
Nguồn tin: Sưu tầm
Các tin khác