Cùng cha mẹ trau dồi cảm xúc cho con

Thứ ba - 29/12/2015 12:39
Vấn đề giáo dục kỹ năng sống cho trẻ đang đặt ra ngày một bức thiết khi chính sự thiếu hụt những kỹ năng này đã và đang gây nên những hệ lụy. Tuy vậy, cha mẹ cần xác định những kỹ năng cơ bản nhất để trang bị cho con mới có thể mang lại hiệu quả giáo dục như mong muốn.

Chuyên gia Tâm lý Lê Khanh - Trung tâm Rồng Việt Vũng Tàu cho rằng, trong cả "rừng" những kỹ năng sống được cho là rất cần thiết, có 2 yếu tố căn bản mà phụ huynh và những nhà giáo dục cần lưu ý trước tiên, đó là: giúp cho trẻ hình thành được những cảm xúc tích cực và có khả năng tự hài lòng với chính mình.


Tôn trọng cảm xúc của con
Theo Chuyên gia Tâm lý Lê Khanh, cha mẹ cần biết tôn trọng cảm xúc của con vì thông thường con trẻ sẽ biểu lộ những cảm xúc chân thật nhất bất kể lúc vui hay buồn.


Ông đưa ra ví dụ: Quan sát một đứa trẻ khi chơi đùa, ta sẽ thấy trẻ biểu lộ những trạng thái của mình một cách rất sôi nổi, rõ ràng ...Trẻ nhảy nhót, khua tay múa chân, nghiêng qua nghiêng lại, cười thật giòn giã, hét thật to... Điều đó do một phần trẻ chưa biết tự kiềm chế bản thân, nhưng cũng là những cảm xúc tích cực và chân thật.


Tuy nhiên, càng lớn lên thì những hình thái ấy càng mất dần đi do bị người lớn "kiểm soát". Một số trẻ có thể trở nên "vô cảm" trong một số vấn đề.


Với một số cháu hiếu động, có tính hướng ngoại thì có thể sẽ gây ra những ức chế, khó chịu đôi khi hình thành những phản ứng tiêu cực như khó ngủ, kéo dài tình trạng đái dầm, mút tay...


Cũng có những trẻ, đặc biệt là các trẻ trai khi bầy tỏ những cảm xúc như khóc lóc, mè nheo hay tỏ ra sợ hãi thì thường bị chế diễu hay trách móc, con trai mà lại mềm yếu như thế, dần dần trẻ sẽ phải đè nén cảm xúc hay che dấu nó, điều đó cũng có thể gây ra những ức chế về tâm lý cho trẻ.


Chúng ta không chấp nhận một đứa trẻ thường xuyên la hét, nhảy nhót nghịch ngợm, hay lúc nào cũng rên rỉ khóc lóc, nhưng chúng ta khuyến khích và chấp nhận những cách bầy tỏ cảm xúc một cách chân thật nơi trẻ.


Chuyên gia Tâm lý Lê Khanh cho rằng: Cha mẹ có vai trò quan trọng trong việc giúp con biết kiểm soát cảm xúc. Việc kiểm soát cảm xúc không phải là sự kềm chế, mà là biết bày tỏ một cách chừng mực, đúng lúc, đúng chỗ. Điều này không phải là những biện pháp mang tính đối phó, mà là những cách thức giúp trẻ có sự ổn định về tâm lý.


Trong các hoạt động hàng ngày, cha mẹ nên khuyến khích trẻ bộc lộ các cảm xúc của mình qua việc chạy đến ôm hôn bố mẹ, khi vui vẻ có thể bật cười sảng khoái. Khi trẻ gây ồn ào, hoặc có thể khua chân múa tay, nhảy nhót, chạy vòng quanh phòng, reo hò ...để bày tỏ sự phấn khởi của mình. Lúc đó, chúng ta nên nhìn trẻ với ánh mắt độ lượng, vui vẻ.


Khi buồn, trẻ có thể bật khóc, có thể thu mình lại... và chúng ta cũng nên im lặng, hoặc bày tỏ sự cảm thông bằng cách ôm trẻ vào lòng, nắm lấy bàn tay trẻ một cách nhẹ nhàng...chờ khi cảm xúc của trẻ qua đi, hay vơi bớt phần nào, chúng ta mới nói một vài câu đồng cảm và tìm cách hướng trẻ qua một lĩnh vực khác.


Ngay cả khi trẻ có những cảm xúc tiêu cực như la hét, ném đồ đạc... thì cha mẹ cũng cần hết sức bình tĩnh và chỉ can thiệp nếu có những hành vi gây nguy hiểm cho bản thân trẻ hay cho người khác.


Dạy trẻ biết hài lòng với bản thân
Chuyên gia Tâm lý Lê Khanh nhấn mạnh rằng: Trong đời sống tâm lý, thường con người có hai cảm nhận đan xen nhau, đó là sự tự tôn và mặc cảm tự ti, trẻ em cũng vậy.


Những lời khen thái quá về một hoạt động nào đó, ví dụ như đạt danh hiệu học sinh giỏi, đạt một số thành tích trong các cuộc thi về năng khiếu...dễ làm cho trẻ hình thành sự tự tôn, kiêu ngạo về khả năng của mình.


Nhưng cũng có những thời điểm hay giai đoạn mà trẻ gặp liên tiếp những thất bại, trẻ sẽ nhận lãnh những lời chê bai, phê phán gây ra những mặc cảm tự ti về sự yếu kém của mình.


Do nhân cách chưa được định hình, trẻ dễ dàng bị cuốn theo một mẫu hình nào đó, thích bắt chước cách ăn mặc của một vài diễn viên, một số hành vi, tác phong của một ngôi sao bóng đá nào đó... bằng những trang phục hay thái độ lập dị, khác người để mong được quan tâm, nể phục hay nổi bật trong đám đông.


Cha mẹ nên tìm cách giúp trẻ nhận ra được tính cách và giá trị của các em. Biết khen ngợi những gì trẻ làm tốt và đưa ra những biện pháp để khuyến khích, tạo cơ hội cho trẻ được bộc lộ cái tôi là bản chất đích thực của trẻ trong những hoạt động tại gia đình.


Khi trao đổi, trò chuyện với trẻ thì cần có sự lắng nghe, tôn trọng ý kiến của các em. Có thế những quan điểm của trẻ chưa thật chính xác, chưa mang tính thuyết phục, nhưng không vì thế mà chúng ta dùng quyền làm bố mẹ, hay dùng những khả năng hiểu biết của mình mà bẻ gãy những quan điểm này, khiến trẻ mất đi sự tự tin vào bản thân.


Chúng ta hãy chỉ ra cho các em thấy một số thiếu sót nếu có trong quan điểm, xác định và đẩy mạnh những điểm tích cực trong quan điểm đó, để trẻ có thể thấy được đâu là vấn đề chính.


Từ sự xác định ấy, trẻ dần dần có được khả năng hài lòng về tính cách và bản thân mình. Điều đó sẽ góp phần giúp cho các em có khả năng đề kháng lại những tác động xấu từ bên ngoài, đó mới là giải pháp hữu hiệu nhất để giúp cho gia đình không còn phải cố gắng kiểm soát các hoạt động của trẻ, hạn chế những quan hệ của trẻ với bạn bè của chúng hay việc sử dụng máy vi tính.


Không cứ gì là một đứa trẻ, người biết hài lòng với bản thân là người tự tin, dễ dàng đưa ra những nhận xét, ý kiến về các vấn đề trong gia đình cũng như có thể góp ý với bố mẹ về một hoạt động nào đó như gia đình mình.


Tuy nhiên, trẻ cần được nhắc nhở khi có những thái độ quá trớn để tự điều chỉnh bản thân thì cũng có thể biến thành một người tự mãn, cố chấp không muốn nghe và thay đổi những lề thói sinh hoạt của mình.


Vì thế, một mặt phụ huynh cẩn khuyến khích và tạo điều kiện để trẻ có thể bầy tỏ những suy nghĩ và quan điểm riêng của mình trong những lĩnh vực khác nhau.


Ví dụ: trẻ có thể đưa ra những nhận xét trong vấn đề học tập, thích giáo viên này, không thích giáo viên kia, hay thích môn học này, không thích môn học khác... lúc đó, thay vì gạt qua một bên, thì chúng ta nên yêu cầu trẻ nêu rõ lý do và nếu thấy đó là một yếu tố hợp lý thì cũng cần bầy tỏ sự tán đồng. Còn đó là một lý do khó chấp nhận, thì cũng phải nói cho trẻ biết rõ để trẻ hiểu vấn đề một cách thấu đáo hơn.


"Mỗi đứa trẻ là một thế giới, với những giá trị và hạn chế, năng lực và nhu cầu khác nhau, điều quan trọng là phụ huynh cần giúp cho trẻ biết hài lòng với những mặt mạnh, và biết chấp nhận những mặt yếu kém, để có thể cải thiện bằng những cảm xúc tích cực xuất phát từ chính mong muốn của trẻ chứ không phải do những phê phán, áp lực đến từ bên ngoài. Đó mới thực sự là động lực thúc đẩy sự tiến bộ của trẻ". (Chuyên gia Tâm lý Lê Khanh).

Tác giả bài viết: Ban biên tập website

Nguồn tin: mn liên minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
XEM NHIỀU NHẤT
HỖ TRỢ QUẢN TRỊ WEB
LIÊN KẾT WEBSITE
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập9
  • Hôm nay3,544
  • Tháng hiện tại78,062
  • Tổng lượt truy cập2,762,433
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây