Trường Mầm non Liên Minh - Đức Thọ - Hà Tĩnh

http://mnlienminh.pgdductho.edu.vn


Dạy con làm người tốt

Dạy con làm người tốt
Một người tốt, có lẽ, trước hết là một người biết cảm thông. Nhưng sự cảm thông là điều không dạy được bằng lý thuyết mà chỉ có thể truyền lại hiệu quả qua thực tế. Một đứa trẻ sẽ được khuyến khích phát triển sự cảm thông với những người xung quanh bằng cách theo gương bố mẹ; khi bố mẹ đối xử với người khác bằng tấm lòng nhân hậu, vị tha và ít phán xét thì con cái cũng sẽ học theo đó.

Gia đình Tiến sĩ Mary Gordon, người sáng lập chương trình Roots of Empathy ("Gốc rễ của sự cảm thông"), là một ví dụ. Tiến sĩ Gordon lớn lên trong một đại gia đình nhiều thế hệ - bao gồm ông bà, bố mẹ, bốn anh chị em và một người chú chậm phát triển trí tuệ. Cha mẹ bà luôn dang rộng vòng tay với những người cần sự giúp đỡ: những phụ nữ mang thai không người thân thích, những tù nhân vừa được trả tự do... Tiến sĩ Gordon thường cùng với mẹ mình - một nghệ sĩ (còn cha là Bộ trưởng Bộ Lao động Canada) - đến thăm các gia đình nghèo, mang thực phẩm, quần áo, than củi... đến cho họ.


Khi cô bé Mary buồn cười và thắc mắc trước cảnh một phụ nữ dùng bồn tắm để làm nơi đựng than thay vì để tắm, người mẹ đã nhắc nhở một cách kín đáo. "Mẹ tôi không bao giờ làm người khác phải ngượng, mẹ cũng không muốn làm tôi phải ngượng. Mẹ tôi luôn nhìn thấy phẩm chất tốt đẹp ở mỗi người. Hôm đó, trên đường về nhà, bà đã nói với tôi rằng người phụ nữ tôi vừa gặp đã có những quyết định tốt nhất có thể để đương đầu với thử thách mà bà ấy đang gặp phải, và tôi không nên đánh giá người khác khi bản thân tôi chưa thực sự hiểu những gì mà họ phải trải qua," Tiến sĩ Gordon kể lại.

Dạy con không đánh giá người khác khi chưa thực sự hiểu những gì họ phải trải qua 
Không phải đứa trẻ nào cũng may mắn được dạy dỗ bởi một người mẹ như mẹ của Tiến sĩ Gordon. Nhưng ngay cả những đứa trẻ lớn lên trong những môi trường nặng nề - như những đứa trẻ trong chương trình của Teny Gross - cũng có thể có được sự cảm thông.


Ông nhận thấy nhân viên của mình thành công tốt nhất khi họ xây dựng được mối quan hệ dựa trên sự quan tâm và công bằng. "Mọi người đều có ý thức về sự công bằng," Tiến sĩ Gross giải thích vì sao mà ngay cả các thanh thiếu niên "nổi loạn" cũng tỏ ra đàng hoàng khi làm việc với những người quan tâm đến cách hành xử của chúng. Những đứa trẻ ấy đã quen với việc không được quan tâm hay bị ngược đãi... Khi được đối xử bằng sự quan tâm và tình cảm, không còn cảm thấy bị xúc phạm hay xâm phạm nữa, chúng cảm thấy sự công bằng.


Chương trình của Teny Gross tập trung vào việc giới thiệu các thanh niên lầm lỡ đến những tổ chức, hội nhóm mới nơi mọi người không chỉ quan tâm đến nhau mà còn cung cấp một môi trường an toàn mà rất nhiều người đã không có được khi ở tuổi thơ. Bằng cách dùng chính những người "bất hảo" trước kia dìu dắt, chăm sóc cho những người mới, Gross đã tạo ra một mối quan hệ "đỡ đầu" tốt đẹp và dễ dàng hơn. "Cố vấn đặc biệt" của các cậu bé này sẽ có mặt trong tất cả các sự kiện đặc biệt xảy ra với cậu bé, (kể cả những chuyện liên quan đến gia đình hay luật pháp). Ngoài ra, họ còn cùng tham gia những hoạt động vui chơi, dã ngoại, đến nhiều nơi khác nhau để gắn kết tình cảm. Những chuyến đi chơi này còn có thể bao gồm cả "đối thủ" một thời của các cậu bé, với mục đích là mang mọi người xích lại gần nhau hơn và hạn chế đáng kể tình trạng bạo lực về sau.


Thật vậy, các nghiên cứu cho thấy sự tiếp xúc giản đơn của nhiều loại người khác nhau trong một không khí hữu nghị sẽ giúp tăng cường sự cảm thông giữa những con người này. Mặc dù một số thành phần tâm thần xã hội hay các băng nhóm rất khó thay đổi, nhưng Teny Gross vẫn rất hy vọng và lạc quan. Ông chỉ ra số liệu thống kê rằng tình trạng giết người ở Mỹ đã giảm đi gần một nửa trong vòng 20 năm qua đã chứng tỏ rằng sự thay đổi là điều hoàn toàn có thể, tuy không phải là điều dễ dàng.

Tác giả bài viết: Ban biên tập website

Nguồn tin: mn liên minh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây